Du lịch là sở thích của tất cả mọi người. Ngoài việc được khám phá những danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử, thiên nhiên, con người nơi đó, còn một điều rất quan trọng là thưởng thức các món Đặc sản vùng miền đặc trưng. Nếu đã đi mà chưa được thưởng thức các Đặc sản nơi đó thì thật không trọn vẹn.
Hiện nay, có rất nhiều bài viết trên các trang mạng giới thiệu rất nhiều món ăn ngon tại Đà Nẵng, nhưng đa số chỉ là những bài viết của các công ty lữ hành nhằm tiếp cận khách hàng bán tour hoặc bài viết được đặt hàng, mang tính chất quảng cáo, chiếm top Google để kéo du khách đến ăn. Thật sự Đà Nẵng không nhiều đặc sản như đến vậy đâu. Và không phải nơi nào trong bài viết đó cũng làm ra món đặc sản đúng nghĩa của nó. Bản thân tôi thấy cần phải làm điều gì đó để giúp du khách chọn đúng nơi, đúng món, đúng vị. Điều đó sẽ giúp du khách có một trải nghiệm tuyệt vời khi đến quê hương tôi, sẽ có ấn tượng tốt về đất nước tôi.
Vậy bạn đã, đang và sẽ đến Đà Nẵng để du lịch, bạn đã biết được những món gì rồi? Dưới đây Đặc sản Đà Nẵng 365 xin giới thiệu đến bạn 5 món đặc sản Made by Đà Nẵng để các bạn hiểu tận tường về nó, đến đúng nơi để thưởng thức hương vị thực sự của nó.
Mỳ Quảng
Mỳ Quảng là đặc sản có từ ngàn năm nay tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (trước năm 1997, Quảng Nam- Đà Nẵng là 1 tỉnh, sau đó tách ra làm 2 là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng).
Thiên nhiên đã “ban tặng” cho vùng đất này nắng, gió, phù sa. Những “nguyên liệu” đó làm nên hạt gạo khác biệt. Hạt gạo đó làm nên những sợi mỳ trứ danh mà không nơi nào có được. Nếu bạn đến một tỉnh nào ở Việt Nam mà thấy có bán mỳ Quảng, tôi chắc chắn rằng nó không bao giờ có được hương vị như ở đây.
Cách sắp đặt một tô mỳ, đầu tiên cho rau sống vào tô trước rồi bỏ mỳ lên trên. Chan nước lèo vào síp síp tô (nên nhớ là ít nước thôi nha, còn nhiều nước như bún, phở thì ko phải rồi). Nước lèo có nhiều loại từ tôm, cá lóc, gà, trứng, bò, heo được chế biến với vị hơi mặn so với bình thường. Bỏ thêm đậu rang, hành tươi, chanh, ớt vào và trộn đều lên là bắt đầu thưởng thức.
Cách thưởng thức Mỳ Quảng cũng thể hiện tính chất con người ở đây: đơn giản, phóng khoáng, không gò bó khuôn khổ. Chỉ một món ăn nhưng nó có hàng chục cách ăn khác nhau. Người thì thích nhiều nước, người ít nước, người nhiều rau, người lại ít rau, người lại thích bò, có người thích gà hoặc cá, người thích nhạt, người thích mặn…món ăn đều đáp ứng được hết.
Đã đến Đà Nẵng rồi mà chưa thưởng thức Mỳ Quảng là một thiếu sót vô cùng lớn trong việc khám phá vùng đất này. Nhưng đa số hiện nay các quán (kể cả nổi tiếng) đều nấu không đúng hương vị thực sự của nó mà đã thay đổi vị của nó khá nhiều để du khách nào cũng ăn được. Vì món Mỳ Quảng nấu đúng vị thường sẽ mặn và cay, vị đặc trưng trong các món ăn của người Quảng Nam, Đà Nẵng. Các nơi đó chỉ có khách du lịch chứ rất ít người bản địa đến, kể cả tôi. Vì đó là một cách chế biến thảm họa. Thật khó để tìm được quán ăn phục vụ du khách nấu đúng vị của món ăn này. Bạn hãy chịu khó tìm các quán mỳ Quảng bình dân, dễ nhận biết là chỉ thấy người bản địa thường, với một tấm bảng nhỏ để bên đường. Tuy nhiên bạn phải chấp nhận quán không được sang trọng, sạch sẽ như những nơi phục vụ khách du lịch.
Gỏi cá Nam Ô
Cá làm gỏi thường là cá Trích, cá De, cá Tớp, cá Mòi, cá Cơm nhưng ngon nhất vẫn là cá Trích vì cá có vị ngọt, thịt dai mềm và nhiều dinh dưỡng. Nhưng tại sao những loại cá trên ở Việt Nam đâu cũng có, nhưng chỉ duy nhất ở Nam Ô (gần chân đèo Hải Vân) mới làm ra loại Đặc sản nức tiếng này? Đó chính là nước biển. Nước biển mà cá Trích sinh sống ở đây có độ mặn khác hoàn toàn so với các nơi khác, do đó vị các cũng khác biệt. Đó chính là công thức làm nước chấm chỉ duy nhất ở vùng đất Nam Ô. Đó chính là những loại rau rừng chỉ có ở núi rừng Hải Vân. Có thể ở nơi khác vẫn có loại rau rừng này nhưng chỉ ở đây mới có đầy đủ các loại rau để kết hợp với các loại cá trên tạo ra một hương vị độc đáo và duy nhất.
Khi bạn tìm kiếm “gỏi cá Nam Ô” sẽ có nhiều kết quả trên Google Map, tuy nhiên bạn hãy chọn các địa điểm cách chân đèo Hải Vân 3km. Đó là những nơi sản sinh ra món đặc sản này.
Gỏi cá có 2 loại khô và ướt. Loại khô dành cho những người lần đầu ăn vì nó được rắc bột bắp khá nhiều để che bớt phần con cá khiến người dùng đỡ “sợ” hơn và không cay. Tuy nhiên gỏi ướt mới thực sự đúng nghĩa là Gỏi cá Nam Ô. Cách ăn là bỏ cá vào chén, chan nước, bỏ rau vào, bưng chén lên và (dà) như ăn cơm. Vì vậy người dân ở đây còn gọi là gỏi dà (do giọng địa phương phát âm chữ “V” thành chữ “D”). Gỏi ướt thật sự là những gì tinh túy nhất của món gỏi cá nơi đây, nhưng không phải thực khách nào lần đầu cũng ăn được. Vì nhìn thấy lát cá tươi như còn sống (đừng lo nó đã được làm chín bằng cách chế biến có 102 ở đây rồi) và nó rất cay. Tuy nhiên nếu bạn nhắm mắt “làm liều” dà (và) một miếng cá kẹp rau rừng, húp thêm nước chan thì đảm bảo với bạn rằng bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị tuyệt vời của nó. Nếu bạn không thể ăn vị cay được thì nói nhân viên làm ít ớt một chút. Đây là Đặc sản có 102 ở Đất nước VN này, bạn phải thưởng thức nó khi đến đây. Tin tôi đi.
Bún chả cá
Bún chả cá thì nơi đâu cũng có, tuy nhiên Bún chả cá ở Đà Nẵng lại có hương vị đậm đà rất khác biệt. Chả cá được làm từ loại cá tươi lọc lấy thịt, không pha thêm bột. Xương dùng để hầm nước với măng, cà, dưa để tạo nên nồi nước ngọt thanh mát, khi ăn bỏ thêm ít mắm ruốc, chanh ớt tỏi giả trộn chung thì tô bún càng thêm dậy mùi và đậm đà. Bún chả cá chỉ có một hương vị chung cho cả người bản địa cũng như khách du lịch nên bạn rất dễ dàng tìm được nơi để thưởng thức.
Cá Ngừ, cá Thu được lấy từ sớm tinh mơ tại cảng cá Thọ Quang để chế biến nên những tô bún với lát cá và nước lèo ngon ngọt, dùng chung với rau sống giòn tan khiến thực khách có một bữa ăn tuyệt vời và đáng nhớ.
Bánh tráng cuốn thịt heo
Hiện nay Bánh tráng cuốn thịt heo có ở khắp cả nước, tuy nhiên vùng đất sản sinh ra món Đặc sản này là Quảng Nam – Đà Nẵng. Do cách làm rất đơn giản nên nó nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước, nhưng để thưởng thức được trọn vẹn những gì tinh túy nhất của món Đặc sản này thì chỉ có ở Đà Nẵng quý khách mới có được.
Bánh tráng dùng để cuốn phải là bánh tráng Đại Lộc (Quảng Nam). Bởi cũng như mỳ Quảng, bánh tráng ở đây có một hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Bánh tráng đem nhúng nước, dù để lâu vẫn không dính vào nhau, rất dai và mềm (đó cũng là cách duy nhất nhận biết bánh tráng Đại Lộc và bánh nơi khác)
Thịt heo phải là loại thịt có lớp da mỏng, không được dai, có lớp nạc và mỡ xen kẽ nhau.
Rau sống thì bắt buộc phải có chuối chát, dứa, cà rốt, dưa chuột cộng thêm các loại rau khác như xà lách, rau thơm. Nước chấm là hỗn hợp của gừng, sả, thơm, nước mắm (mắm nước hoặc mắm nêm), tỏi, ớt, chanh.
Món Đặc sản Đà Nẵng này được ưa chuộng quanh năm, bởi khi thưởng thúc bạn cảm nhận tất cả hương vị của bánh tráng, vị chua, ngọt, mặn, cay, chát quyện vào nhau cùng với cái mềm mềm, dai dai của bánh tráng và thịt khiến bạn ăn một rồi lại muốn ăn thêm nhiều cuốn nữa.
Không khó tìm các quán ăn có bán món này như Mỳ Quảng, Gỏi cá vì món này không có sự khác biệt nhiều trong chế biến dành cho du khách.
Ốc hút
Nhắc đến Đặc sản Đà Nẵng thì không thể bỏ qua món ốc hút, đây là món ăn mà hầu hết người Đà Nẵng đều mê mệt từ trẻ nhỏ đến người lớn. Hầu như món Đặc sản Đà Nẵng nào thì vị cay, mặn vẫn là chủ đạo và ốc hút xứng đáng xếp top đầu trong bảng xếp hạng Cay. Tuy nhiên vì sợ cay mà quý khách bỏ qua nó thì thật thiếu sót trong việc khám phá ẩm thực nơi đây.
Con ốc nóng hổi, kèm thêm hương thơm ngào ngạt từ lá sả, vị cay của ớt và chua của đu đủ dầm sẽ dễ dàng khiến bạn phát nghiện. Đặc biệt vào mùa lạnh mà được ngồi quán cóc cùng nhóm bạn vừa thưởng thức, vừa trò chuyện, vừa ngắm đường phố trong cái se lạnh thì không gì tuyệt vời bằng. Nơi để bạn thưởng thức tất cả các loại ốc là tại Chợ Cồn hoặc bất cứ nơi ăn vặt nào có.
Chúc bạn có một chuyến đi đến Đà Nẵng tuyệt vời, trọn vẹn. Nếu có nhu cầu mua Đặc sản Đà Nẵng để làm quà cho người thân xin tham khảo tại đây